Theo tiến sĩ Hương, “nét chữ, nết người” không có nghĩa là người chữ xấu đi liền với nết xấu. Viết chữ đẹp là điều rất đáng ghi nhận, nhưng đó là kỹ năng, kém một chút không quan trọng. Cho nên, chỉ cần yêu cầu học sinh viết đúng chính tả, sạch sẽ, không bị nhầm sang chữ khác là được.
Đồng quan điểm này, PGS Nguyễn Hữu Hợp - trong một bài viết trên VN Express - cho rằng “nét chữ, nết người” đã quá lạc hậu. Việc ép trẻ viết chữ đẹp làm chậm tư duy, hình thành một số tính cách xấu như cáu bẳn, chán học, sợ học. Trên thế giới, không có nước nào tổ chức, rèn cho học sinh viết chữ đẹp để giáo dục nết cả. Bởi nét chữ chỉ phản ánh một khía cạnh nhỏ của nhân cách mà thôi.
PGS Nguyễn Hữu Hợp còn phân tích, ép viết chữ đẹp làm chậm tư duy của trẻ. Bởi vì khi tập trung nắn nót nét chữ, học sinh không tập trung vào quá trình tư duy nội dung. Trong lúc đó, tư duy là yếu tố quan trọng hàng đầu trong giáo dục. Ai cũng hiểu, quan trọng là nội dung viết ra chứ không phải là chữ viết.
Ngược lại với quan điểm trên, GS Hồ Ngọc Đại quả quyết, chữ đẹp là truyền thống của người Việt. Trẻ phải yêu con chữ, từ đó xây dựng nét đẹp tâm hồn. Phải khuyến khích viết chữ đẹp, đúng quy chuẩn tạo thành nếp ngay từ thuở bé. Tuy nhiên, GS Hồ Ngọc Đại đưa ra giải pháp rất hài hòa, đó là nhà trường và gia đình bố trí thời gian hợp lý để dạy trẻ luyện chữ đẹp, không để việc đó trở thành gánh nặng cho các em.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD ĐT Trần Xuân Nhĩ không ủng hộ việc dẹp rèn chữ viết vì đó là cần thiết, rèn con người tính chỉn chu, không cẩu thả. Mọi người rèn chữ đẹp là điều tốt, cho nên cần phải tổ chức thực hiện như thế nào cho hợp lý.
GS Nguyễn Minh Thuyết có góc nhìn “trung dung” hơn. Theo ông, dẹp việc rèn chữ đẹp hay xem nó như là việc quan trọng đều là cực đoan. Từ xa xưa, người Việt coi trọng nét chữ vì nó rèn luyện tính cẩn thận, kiên nhẫn, thẩm mỹ cho con người. Nhưng quá coi trọng việc rèn chữ, đẩy gánh nặng lên vai phục huynh, học sinh vì phải cho con đi học ngày đêm chỉ vì rèn chữ là không phù hợp. Ông phân tích: “Không thể để trẻ viết chữ cẩu thả, nguệch ngoạc, nhưng cũng không nên mất quá nhiều thời gian vào việc này, vừa gây áp lực cho trẻ, vừa không còn thời gian để dạy các cháu những nội dung bổ ích khác”.
Dẹp hay không môn học rèn chữ trong nhà trường trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm của phụ huynh, thầy cô và các nhà quản lý giáo dục. Đây là vấn đề quan trọng, cần sự tham gia ý kiến từ cộng đồng xã hội. Báo Lao Động mở diễn đàn này, rất mong sự đóng góp của bạn đọc.
Nguồn: laodong.com.vn